Độc đáo nghệ thuật vẽ tranh trong chai (Cập nhật: 05/07/2013)
Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Công Tuân.
Tài năng và niềm đam mê hội họa
Sinh ra và lớn lên ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, là một vùng quê thuần nông, quanh năm cày sâu, cuốc bẫm. Nhà tuy nghèo, bố mẹ đều là nông dân nhưng năng khiếu và đam mê hội họa của anh đã phát triển ngay từ khi còn là cậu học sinh tiểu học. Anh vẽ rất đẹp, thường xuyên nhận được điểm cao ở môn mỹ thuật nhờ đôi tay khéo léo và óc sáng tạo của mình. Không những vậy, anh còn nhiệt tình giúp bạn bè vẽ những bức tranh hết sức ngộ nghĩnh.
Niềm đam mê hội họa mà anh theo đuổi tưởng như sẽ dừng lại cho đến khi anh nhập ngũ năm 1986, làm lính trinh sát đóng quân ở gần biên giới tại tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, mỗi khi đi trinh sát ở một điểm, hay cùng đồng đội hành quân là niềm đam mê của anh lại trỗi dậy, anh lấy giấy bút vẽ lại các con đường mòn, đường hành quân, các cột mốc biên giới... mà anh đi qua. Rồi như một cái duyên khi anh được gặp ông Phóng - Tiểu đoàn phó, tiểu đoàn 7, trung đoàn 288. Anh kể: "Ngày đó, mỗi khi đi diễn tập trinh sát, hai người lại cùng nhau vẽ phong cảnh, chân dung con người, tranh trừu tượng... Nhờ học hỏi từ ông Phóng mà tay vẽ của tôi ngày càng khá hơn, tôi coi ông như một người thầy đã truyền thêm cho tôi nhiều cách vẽ và cách cảm nhận về hội họa. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh truyền thần, ký họa."
Sau khi xuất ngũ vào năm 1990, anh về làm công nhân tại nhà máy xay. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng cũng không làm anh từ bỏ cây bút vẽ. Anh tiếp tục vẽ tranh, những bức tranh anh vẽ chủ yếu là tranh truyền thần, tranh Đông Hồ, đặc biệt là chân dung Bác Hồ. Anh vẽ cho hàng xóm, bạn bè chỉ để lấy vui, biếu tặng chứ cũng không lấy của ai một đồng tiền công dù đồng lương công nhân vô cùng ít ỏi. Vì không có điều kiện theo đuổi niềm đam mê hội họa ở các trường chuyên nghiệp, đến năm 2005, anh lên trường Cao đẳng Mĩ thuật Trung ương để xin sách về tự học những kỹ thuật cơ bản của hội họa. Với 10 quyển sách xin được cộng với việc học hỏi thêm các họa sĩ trong tỉnh như ông Quốc Vị, Phạm Huynh, Thành Long... tay bút của anh ngày càng tiến bộ hơn, anh vẽ thêm tranh phong cảnh và nhận được nhiều lời khen của các họa sĩ.
Họa sĩ Lê Công Tuân.
Đến vẽ tranh trong chai
Cái duyên vẽ tranh trong chai đến với anh từ một mẩu báo có nói về một người nước ngoài có khả năng vẽ được tranh trong chai. Ngay lập tức trong đầu anh đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại vẽ được tranh trong chai nhỉ?". Vậy là anh họa sĩ trẻ bắt đầu dồn thời gian và công sức tìm tòi cách vẽ tranh trong chai. Anh bắt đầu vẽ với những chiếc cốc cho dễ làm quen với cách đưa bút vẽ, sau đó quen dần và chuyển sang vẽ trong chai. Ban đầu anh sưu tầm, nhặt nhạnh, đến thu mua chai lọ của hàng đồng nát. Anh kể: "Lúc đó kinh tế khó khăn, đồng lương công nhân vốn đã ít ỏi dành để lo cho vợ con, gia đình nay phải san sẻ cho niềm đam mê để thu mua chai lọ". Nói đến đó anh cười vì anh cũng phải giấu vợ để bỏ tiền mua những chai lọ cũ. Sau đó, anh mất hơn 1 năm để nghiên cứu, chọn các kiểu bút để vẽ, để có thể vẽ được trong nhiều loại chai có hình dạng, kích thước khác nhau, anh phải nghiên cứu, sưu tầm trên 100 loại bút vẽ. Rồi để các tác phẩm của mình có thể lưu giữ lâu dài không bị bong tróc khi ngâm nước hay nung nóng anh lại nghiên cứu cách pha chế sơn vẽ, sơn màu với một loại keo giúp bức tranh có thể chịu được nhiệt độ của bóng đèn điện mà không bị chảy, vừa có thể ngâm nước mà không bị phai màu. Anh tiếp tục mất đến 3 năm để có thể làm quen với các cách vẽ các tác phẩm trong những chai lọ với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Và cũng phải mất đến 5 năm thì anh mới có được một tác phẩm ưng ý nhất, đó là tác phẩm con lợn âm dương như trong tranh Đông Hồ... Đó thật sự là một quãng thời gian dài với sự cố gắng không biết mệt mỏi của người họa sĩ tâm huyết.
Nói về việc vẽ tranh trong chai hiện nay của anh, anh cho biết: "Cho đến nay, dù đã có tay nghề cao, khi vẽ một tác phẩm đơn giản thì chỉ mất 15-20 phút, nhưng khi vẽ một tác phẩm đặc biệt thì cũng phải mất đến vài ngày, có khi vài tuần mới hoàn thành được như chân dung Bác Hồ, Hưng Đạo Đại vương... Bên cạnh đó thì với từng chai lọ có hình dáng, kích thước khác nhau mà chọn ra bố cục và tác phẩm sẽ vẽ khác nhau, điều này mất nhiều thời gian trước khi bắt đầu vẽ."
Sau hơn 10 năm vẽ tranh trong chai, cho đến nay anh có khoảng trên 2000 tác phẩm vẽ trên nhiều chất liệu như chai nhựa, thủy tinh, gốm sứ... kích cỡ từ cái bé nhất bằng ngón tay út (lọ thuốc penicilin) đến cái cao hàng mét như lọ lục bình làm bằng sứ trong. Độc đáo hơn anh còn vẽ tranh trong quả trứng Đà Điểu và được nhiều người yêu thích đặt làm đồ lưu niệm, đèn ngủ...
Ông Trần Trọng Tấn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Dương cho biết: “Nghệ thuật vẽ tranh trong chai của họa sĩ Lê Công Tuân là môn nghệ thuật đặc biệt, đòi hỏi sự kết hợp giữa tính kiên trì và sự khéo léo mới có thể ra đời được một tác phẩm hoàn chỉnh mà không phải họa sĩ nào cũng có thể làm được. Môn nghệ thuật vẽ tranh trong chai cũng đã góp phần tạo nên sự phong phú trong văn hóa của thành phố Hải Dương. Bên cạnh đó, Tuân là một họa sĩ trẻ nhưng lại sớm có ý thức truyền dạy môn nghệ thuật của mình, điều đó rất có ý nghĩa trong việc lưu truyền và phát triển rộng rãi cho môn nghệ thuật này".
Bài và ảnh: Xuân Trường
29/12/2012 | 12:50
ToanAnhLe
0 nhận xét :
Đăng nhận xét