Anh Lê Công Tuân (47 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, P.Nguyễn Trãi, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) có lẽ là người VN đầu tiên sáng tạo ra nghề vẽ tranh trong chai thủy tinh.
Anh Tuân vốn là công nhân nhà máy xay xát ở TP.Hải Dương nhưng có niềm đam mê hội họa từ nhỏ. Căn nhà cấp bốn của anh la liệt những tủ chứa đồ gốm sứ cũ, chai, lọ thủy tinh... và khi bật đèn lên thì biến thành một thế giới đầy màu sắc với những hình vẽ sống động, lung linh sau lớp thủy tinh. Chẳng hạn, trong chiếc chai đựng nước mắm Cát Hải là hình vẽ cô gái mặc áo dài đỏ, đội nón Huế có mái tóc dài. Không chỉ vẽ trong những chai lớn vốn để đựng rượu, mắm, anh Tuân còn vẽ tranh trong những lọ thuốc bé xíu. Anh Tuân cho biết, tranh của mình chủ yếu là chân dung những danh nhân, người lính, thiếu nữ, em bé... vì anh “tìm thấy niềm vui và cảm hứng từ những khuôn mặt”.
Năm 1997, anh Tuân bắt đầu nghề chơi độc đáo này sau khi đọc trên báo chuyện một người nước ngoài vẽ tranh trong chai. Sau khi phải vứt hàng sọt chai lọ vì vẽ hỏng, nhận thấy để vẽ được trong chai không thể dùng loại bút lông và chất liệu như thông thường, nên anh Tuân mày mò pha chế sơn vẽ với một loại keo thành chất liệu hỗn hợp, khắc phục được tình trạng “nứt nẻ” của tranh trên bề mặt thủy tinh. Loại bút vẽ tranh trong chai khá lạ mắt khi chỉ có một đoạn ống nhựa uốn cong, nhét bông vải ở đầu làm ngòi và cắm vào thanh tre dài. Anh Tuân gọi đó là bút “khoằm”, có thể uốn theo ý muốn để “múa” được trong chai.
Bức tranh đầu tiên mà người họa sĩ không học mỹ thuật qua trường lớp này vẽ thành công là chú lợn âm dương như trong tranh Đông Hồ. Không chỉ vẽ xuôi, anh Tuân còn vẽ ngược chai để úp vào bình khác, tạo ra sự phá cách và ấn tượng.
Xưởng vẽ của anh trên nóc nhà, thực ra chỉ là một cái chòi dựng tạm với thang lên bằng inox. “Nhiều người bảo tôi hấp, dở, tốn thời gian mà không ra tiền. Một số họa sĩ còn khuyên tôi bỏ trò này nhưng tôi vẫn làm, vì mỗi lần vẽ xong thấy sướng lắm”, anh Tuân chia sẻ.
Những bức tranh được anh Tuân phát giá 200.000 - 700.000 đồng, một số bức được niêm yết cả triệu đồng nếu được vẽ trong những chai đựng rượu tây loại đẹp, phải mua với giá đắt hơn. Đáng nói là vì bỏ nhiều thời gian đi tìm mua nhiều vỏ chai rượu tây của các hàng đồng nát nên anh Tuân từng dính tin đồn làm rượu giả. Bỏ qua những lời ác ý, anh vẫn âm thầm theo đuổi niềm đam mê đặc biệt này. Thậm chí, trong một trận ốm phải nằm viện, người đàn ông này đã xin lại những chai truyền dịch để vẽ hình các con giáp cho khuây khỏa.
Khách hàng của anh Tuân là các em học sinh mua lọ nhỏ vẽ hình cá cảnh, đại dương về để bàn học, hay những chủ quán cà phê ở Hà Nội, Hải Phòng nghe tin liền ngược về thành Đông (Hải Dương) đặt hàng làm đồ trang trí.
Một vài người bạn đã mang bình sứ trắng, vỏ trứng ngỗng, đà điểu tới nhờ anh vẽ để làm đèn ngủ. Ngoài công việc chính, anh Tuân còn phải tranh thủ bán đồ gốm, sứ cũ để có tiền trang trải sinh hoạt và theo đuổi đam mê. Hiện anh cũng dạy 2 cậu con trai học cách vẽ tranh trong chai, và cho biết sẵn sàng chia sẻ cách vẽ độc đáo này cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật, để họ có thể sống được bằng nghề.
Vũ Ngọc Khánh
|
ToanAnhLe
0 nhận xét :
Đăng nhận xét