Được tạo bởi Blogger.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Tag:

"Người thổi hồn vào chai" 17/08/2015 11:08

"Người thổi hồn vào chai"

Thứ Hai, 17/08/2015, 11:08 [GMT+7]
Anh Tuân và các tác phẩm của mình
Anh Tuân và các tác phẩm của mình
Tuy không được đào tạo về hội họa nhưng họa sĩ Lê Công Tuân, sinh 1968 (ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), lại sáng tác rất nhiều bức tranh mà đặc biệt là tranh lại ở trong chai. Sau hơn 10 năm cầm bút, Lê Công Tuân có trên 2.000 tác phẩm vẽ trên các chất liệu khác nhau như: chai nhựa, thủy tinh, gốm sứ... Anh được mệnh danh là “người thổi hồn vào chai”.
Màu, bút vẽ “tự chế”
Lê Công Tuân sinh trưởng trong một gia đình thuần nông tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Từ khi học tiểu học, Lê Công Tuân đã sớm bộc lộ niềm đam mê hội họa. Do có năng khiếu, đôi tay khéo léo và sự sáng tạo, Tuân thường được điểm cao ở môn mỹ thuật. Anh vẽ trên giấy những bức tranh phong cảnh quê hương, làng xóm. Năm 1986, Lê Công Tuân nhập ngũ, đóng quân tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Trên đường hành quân, anh vẫn say sưa vẽ cảnh thiên nhiên. Được một người chỉ huy trong đơn vị hướng dẫn thêm về kiến thức hội họa, Lê Công Tuân nâng cao tay nghề và bắt đầu vẽ tranh truyền thần, ký họa.
Năm 1990, xuất ngũ về địa phương, Tuân xin vào làm công nhân tại Nhà máy xay Hải Dương. Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng Tuân vẫn không từ bỏ niềm đam mê vẽ. Anh vẽ những bức tranh truyền thần, tranh Đông Hồ. Tranh anh thường đem tặng hàng xóm, bạn bè. Ngoài thời gian đi làm, buổi tối anh dành rất nhiều thời gian để vẽ truyền thần. Những con người, khuôn mặt, hình hài hiện lên qua đôi bàn tay của anh rất có hồn, màu sắc tươi sáng. Năm 2005, anh Tuân lên Trường cao đẳng Mỹ thuật Trung ương xin sách về tự học. Với 10 quyển sách xin được và học hỏi các họa sĩ tiền bối trong tỉnh, tay bút của anh ngày càng bay bổng.
Năm 1997, khi đọc chuyên mục “chuyện lạ đó đây” nói về người họa sĩ nước ngoài có tài vẽ tranh trong chai, sau nhiều đêm trăn trở, chàng họa sĩ trẻ dành thời gian và công sức tìm hiểu cách vẽ tranh trong chai. Ban đầu, để làm quen với cách đưa bút vẽ trên bề mặt thủy tinh, anh vẽ trên những chiếc cốc. Sau một thời gian, khi bàn tay quen dần, anh chuyển sang vẽ trong chai. Nhiều lần thất bại, anh phải vứt đi hàng sọt chai lọ.
Đến khi vẽ thành công thì tranh lại không đẹp lắm vì loại màu này không bám dính, lâu khô. Màu vẽ tranh trên chất liệu kính, thủy tinh phải là chất liệu màu đặc biệt, ngoài màu nước, phải có một loại keo kết dính đặc biệt. Sau nhiều lần tỉ mẩn pha chế, anh tạo ra loại mực vẽ trong chai không bị nhòe, bám dính tốt vào chất liệu trơn lỳ sáng bóng của thủy tinh. Loại bút vẽ tranh trong chai khá lạ mắt, chỉ có một đoạn ống nhựa uốn cong, nhét bông vải ở đầu làm ngòi và cắm vào thanh tre dài. Anh Tuân gọi là bút “khoằm”, có thể uốn theo ý muốn để “múa” trong chai. Mỗi chai thủy tinh có hình dáng và kích thước khác nhau.
Do đó, họa sĩ phải hiểu cái nào là phù hợp nhất với chất liệu của mình. Cái khó là vẽ trong chai thủy tinh không như vẽ trực tiếp trên các chất liệu thông thường, họa sỹ phải tưởng tượng rồi “vẽ ngược” thì khi nhìn từ bên ngoài, bức tranh mới xem được. Sau hơn 1 năm, anh Tuân đã “tự chế” ra nhiều loại bút vẽ trong chai có hình dạng, kích thước khác nhau. Để vẽ một tác phẩm đơn giản phải mất từ 15-20 phút, tác phẩm đặc biệt phải mất vài ngày, có khi vài tuần mới hoàn thành được.
Anh sưu tầm, thu mua chai lọ của hàng đồng nát. Trong khi tìm mua vỏ chai rượu, anh Tuân từng bị nghi vấn “làm rượu giả”. Trong một lần ốm phải nằm viện, anh Tuân xin lại những chai truyền dịch vẽ hình các con giáp cho đỡ buồn.
Những bức tranh độc đáo
Do nhà máy xay xát gặp khó khăn, hai vợ chồng Lê Công Tuân phải tạm nghỉ việc. Để lo cuộc sống cho cả gia đình, vợ anh Tuân mở một kiốt bán hàng ngoài chợ. Trong thời gian này, Lê Công Tuân được bầu là Tổ trưởng TDP kiêm thành viên ban bảo vệ dân phố khu 7, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Ban đầu thấy chồng dành nhiều thời gian, sức lực cho việc vẽ vời, vợ anh có vẻ không hài lòng nhưng cách đây vài năm, trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam, Lê Công Tuân được công chúng biết đến là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh trong chai. Thế là từ đó, vợ anh thông cảm, tạo điều kiện để Tuân theo đuổi đam mê nghệ thuật. Hiện nay, anh đang hướng cho hai con trai theo nghiệp vẽ. Anh Tuân chia sẻ, khi các con khôn lớn, anh sẽ về quê, mở xưởng dạy vẽ tranh trong chai cho những bạn trẻ đam mê và yêu thích hội họa.
Căn nhà cấp bốn của gia đình anh Lê Công Tuân nằm trong một ngõ nhỏ như một “bảo tàng” toàn đồ gốm sứ cũ, chai, lọ thủy tinh... Khi bật đèn lên, căn phòng trở nên lung linh. Những bức tranh vẽ trong chai thủy tinh trở nên sống động, có hồn, đầy màu sắc. Lê Công Tuân chủ yếu vẽ tranh chân dung danh nhân, người lính, thiếu nữ, em bé... vì anh “tìm thấy niềm vui và cảm hứng từ những khuôn mặt”. Không chỉ vẽ xuôi, anh Tuân còn vẽ ngược chai để úp vào bình khác.
Một số sản phẩm của anh Tuân
Một số sản phẩm của anh Tuân
Đây là sự sáng tạo rất độc đáo và ấn tượng. Hàng ngày, anh ngồi vẽ trên một cái chòi nhỏ dựng tạm trên nóc nhà, có cầu thang đi lên bằng inox. Những bức tranh được anh Tuân vẽ có giá 200.000-700.000 đồng, một số bức lên tới cả triệu đồng nếu được vẽ trong những chai đựng rượu tây loại đẹp. Các em học sinh thích mua các lọ nhỏ vẽ hình cá cảnh, đại dương về để bàn học. Nhiều chủ quán cà phê ở Hà Nội, Hải Phòng đã đặt hàng những bức tranh trong chai để làm đồ trang trí. Một số người bạn anh mang bình sứ trắng, vỏ trứng ngỗng, đà điểu nhờ anh vẽ tranh làm đèn ngủ. Dạy 2 con trai vẽ tranh trong chai, anh còn sẵn sàng chia sẻ cách vẽ độc đáo này cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật, để họ có thể tự kiếm sống bằng nghề.
Với tầm lòng tôn kính, tri ân các bậc tiền nhân, danh nhân của đất nước, họa sỹ Lê Công Tuân vẽ chân dung các vua Hùng, Hưng Đạo Đại Vương, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Nin…, những người chiến sĩ CAND, QĐND Việt Nam. Để hoàn thành chân dung các vị lãnh tụ, Lê Công Tuân rất cẩn thận, tỉ mỉ, trau chuốt từng đường nét, bố cục, màu sắc. Anh tâm sự, vẽ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khó nhất bởi mọi người dân Việt Nam đều khắc ghi hình ảnh của Người, do đó, bức tranh phải toát lên thần thái uy nghiêm, phong thái gần gũi, sống động.
Để hoàn thành bức tranh, Lê Công Tuân phải mất hàng tuần phác thảo, ký họa trước. Các bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ được anh thể hiện rất sinh động với vầng trán cao, mái tóc bạc, nụ cười hiền hậu, nhân ái. Trong số các bức tranh của anh, tôi ấn tượng nhất với 2 bức tranh Bác Hồ được vẽ trong 3 mặt của chai thủy tinh hình tam giác và bức Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vẽ trên 2 mặt của chai thủy tinh…
Đăng Hùng

ToanAnhLe

0 nhận xét :

Đăng nhận xét