Được tạo bởi Blogger.

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Tag:

Người Việt duy nhất vẽ tranh trong chai Chủ Nhật, 29/04/2012 17:00 (GMT+7)

Chủ Nhật, 29/04/2012 17:00 (GMT+7)

Người Việt duy nhất vẽ tranh trong chai



GiadinhNet - Cách đây 6 năm, khi "Chuyện lạ Việt Nam" phát sóng về biệt tài vẽ tranh trong chai của một công nhân nhà máy bia ở Hải Dương nhiều người đã không tin.


      
Sau mỗi giờ tan ca, anh Tuân vẫn dành thời gian cho nghệ thuật vẽ tranh trong chai của mình. Ảnh: KT
Để chứng minh tài năng của mình, trong suốt 6 năm qua, anh Lê Công Tuân (TP Hải Dương) đã miệt mài vẽ nên những tác phẩm hết sức độc đáo trong các loại chai lọ thủy tinh. Cho đến nay, anh được xem là người Việt Nam duy nhất có biệt tài này.
Trốn vợ theo vẽ

Biết có khách đến nhà nhưng vợ chồng anh Tuân vẫn không thể "tẩu tán" kịp mấy bao tải chứa những lọ thủy tinh và những bình lọ gốm đang vẽ dang dở. Và dẫu có cố tình cất đặt hoặc giấu diếm thì căn nhà nhỏ chỉ rộng 50 m⊃2; trong Khu tập thể Nhà máy Xay TP Hải Dương cũng không đủ chỗ để họ cất ngần đó hiện vật. Thế nên, Lê Công Tuân đành phải chọn cách mời khách chen chân vào giữa "lãnh địa" của những "đứa con tinh thần" của mình để vừa đàm đạo, vừa ngắm nghía chúng.

Sinh ra và lớn lên ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc, Hải Dương) - một vùng quê thuần nông, quanh năm chỉ biết cày sâu cuốc bẫm nhưng do có năng khiếu hội họa từ nhỏ nên khi đang còn là một cậu học sinh tiểu học, Lê Công Tuân đã thường xuyên vẽ giúp bạn những bức tranh ngộ nghĩnh. Cũng nhờ tài vẽ ấy mà môn mỹ thuật của cả lớp lúc nào cũng dẫn đầu khối học.

Niềm đam mê với những mảng màu, hình khối theo đó mà cũng lớn dần trong cậu bé Lê Công Tuân. Tuy nhiên, do nhà nghèo, lại đông con, bố mẹ không có điều kiện cho anh theo đuổi đến cùng niềm đam mê hội họa ở các trường chuyên nghiệp, Tuân lại buộc phải "gói ghém" lại niềm đam mê của mình để thực hiện nghĩa vụ của một thanh niên đối với Tổ quốc. Năm 1986, Tuân nhập ngũ và được phân về công tác ở một đơn vị bộ binh tại Quảng Ninh. Ở đây, Tuân lại có duyên được gặp gỡ rồi thành tri kỷ với ông Tiểu đoàn phó người Thái Bình cũng mê vẽ không kém gì Tuân.

"Thời đó, cứ mỗi lần có phiên trực trên chốt là hai anh em lại thi nhau vẽ. Từ cảnh sông nước, phong thủy, con người cho đến vẽ trừu tượng, lập thể... Nhờ thế mà tay vẽ của tôi càng ngày càng được nâng cao. Anh Tiểu đoàn phó ấy đã như một người thầy, truyền cho tôi rất nhiều kinh nghiệm và vốn sống" - Anh Tuân chia sẻ.

Rời quân ngũ, dù tình yêu với hội họa vẫn như một ngọn lửa nhưng do gánh nặng áo cơm, Lê Công Tuân đành phải gác lại để làm công nhân cho nhà máy Bia Hải Dương. Nói là gác lại nhưng cứ sau mỗi giờ tan ca, Tuân lại trốn vợ con mang giá vẽ và các hộp sơn màu cùng mấy ông bạn họa sỹ già tìm nơi vắng để vẽ.

"Đúng là có duyên với cái gì rồi thì không dứt ra được. Những ngày đó mới xuất ngũ nên cuộc sống của tôi khó khăn lắm. Ấy thế nhưng khi vùi đầu vào vẽ thì tôi lại quên đi mọi thứ. Thế rồi mọi thứ cũng qua, cũng ổn hết. Nếu không có những ngày liều lĩnh ấy, chắc gì đã có một Lê Công Tuân bây giờ" - Anh Tuân vừa nhấp trà, vừa tếu táo.
    
Đại gia đình anh Tuân qua những nét vẽ ngộ nghĩnh của anh trong các loại chai lọ.
Vẽ được tranh trong chai nhờ một mẩu báo

Lê Công Tuân kể, anh đến với nghệ thuật vẽ tranh trong chai như một định mệnh. Đó là vào một ngày mùa hè cách nay 11 năm, khi đang ngồi chờ đến lượt mình cắt tóc, anh cầm tờ báo cũ lên để giết thời gian thì vô tình đọc được trong chuyên mục "Chuyện lạ đó đây" của báo có nói đến một người nước ngoài có biệt tài vẽ tranh trong chai. 
Xin mẩu báo đó mang về nhà, anh Tuân cứ ám ảnh và phân vân mãi. Những câu hỏi: "Tại sao lại có thể vẽ tranh được trong chai nhỉ?", "Người ta vẽ được tại sao mình không thử"?"... chập chờn ngay cả trong giấc ngủ hàng đêm. Thế rồi, để thỏa mãn sự hiếu kỳ, anh Tuân ra chợ tìm mua các dụng cụ về mày mò vẽ. Ban đầu anh vẽ trong cốc vì miệng cốc rộng nên dễ đưa bút, sau đó chuyển sang thử trong chai. Cũng phải mất 3 năm thì anh Tuân mới làm quen được hết với các cách vẽ trong các loại chai lọ thủy tinh mang nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Phải mất 5 năm thì anh Tuân mới hoàn thành xong một tác phẩm hoàn thiện mà anh ưng ý nhất.

"Tác phẩm đầu tiên tôi vẽ là những con lợn âm dương hoặc con chuột như trong tranh Đông Hồ, tranh dân gian. Sau đó, năm 2006, khi đăng kí tham gia thi "Chuyện lạ Việt Nam" tôi lại vẽ con trâu vàng và đạt giải "Kỷ lục trâu vàng". Cũng thông qua chương trình này mà nhiều người biết đến tôi và bắt đầu tìm mua những tác phẩm của tôi về trưng bày” - Anh tâm sự

Với Lê Công Tuân, việc tạo được những đường nét, hình hài trong một khuôn hình không bằng phẳng như chai lọ thủy tinh đã là một thành công thì làm cách nào để những màu sắc ấy không bị bong tróc, phai nhạt còn là cả một thành công lớn. Với kinh nghiệm trong suốt 10 năm ròng tìm tòi, thể nghiệm, anh Tuân đã tìm ra được cách trộn màu rất đặc biệt. Đó là sự kết hợp giữa sơn màu với một loại keo có độ kết dính vừa phải.
Với cách trộn màu này, khi tô vào chai, sơn có thể chịu được nhiệt độ của bóng đèn điện, vừa có thể chịu được nhiệt độ của nước mà không bị phai hay chảy màu. "Bản thân kính là mặt phẳng, rất trơn nên phải có chất kết dính mới dính màu vào mặt chai được. Để tìm ra cách pha màu này tôi đã phải thử nghiệm với rất nhiều loại sơn khác nhau trong suốt nhiều năm. Vẽ tranh trong chai cũng không nên đánh bóng, bởi nếu đánh bóng lên màu sẽ không nổi và khi đã vẽ thì chỉ nên vẽ một màu, nếu vẽ nhiều màu thì nó sẽ rất lem nhem, khó thành nét".
    





Một chiếc lọ gốm cắm hoa được anh Tuân biến tấu thành chiếc đèn ngủ mang hình cô gái sinh động.

Biến lọ hoa thành đèn ngủ





Bên cạnh việc phối màu thì dụng cụ vẽ tranh trong chai cũng đòi hỏi có sự biến tấu và sáng tạo riêng. Để có thể vẽ được nhiều hình dạng trong nhiều loại chai khác nhau, anh Tuân phải thử nghiệm với hơn 100 loại bút vẽ khác nhau. Cuối cùng anh sáng tạo ra loại bút vẽ bằng nhựa dẻo, vừa đơn giản, vừa linh hoạt, lại rất rẻ và dễ mua. Với loại bút này, ngay cả những góc uốn lượn cầu kỳ nhất thì ngòi bút vẫn len được vào tận nơi để tạo hình nét vẽ. Người vẽ có thể tùy theo ý thích mà bẻ khoằm bút bao nhiêu độ, uốn bút cong theo hình gì...

Nhờ "cây bút vẽ thần kỳ" này mà những đề tài vẽ của anh Tuân trong các loại chai lọ không chỉ giới hạn trong những nhân vật lịch sử hay phong cảnh làng quê quen thuộc mà đã mở rộng ra nhiều đề tài gần gũi trong cuộc sống. Đặc biệt, vào mỗi mùa lễ hội chọi trâu hàng năm, các lái thương ở Đồ Sơn đã tìm đến đặt anh vẽ hàng trăm bức tranh chọi trâu trong các lọ thủy tinh nhỏ để bán cho du khách. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể giúp anh Tuân say mê hơn với những mẫu vẽ của mình.

Gần đây, trong một lần cho chiếc bóng điện vào lọ gốm, thấy từ lọ gốm hắt ra một thứ ánh sáng rất đẹp, anh Tuân lại nảy sinh ý định vẽ trong ruột gốm để biến những chiếc lọ chỉ đơn thuần để cắm hoa thành những chiếc đèn ngủ sống động với những hình khối và màu sắc đẹp mắt...

Cho đến nay, với hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh trong chai, anh Tuân không thể nhớ mình đã tạo nên được bao nhiêu tác phẩm. Chỉ biết, mỗi khi vẽ xong, trưng bày trong phòng một thời gian cho bạn bè đến ngắm nghía rồi rồi anh lại cho vào hộp giấy hoặc bao tải, cất vào một góc nhà. Mỗi khi có khách quý đến chơi anh Tuân mới lại cùng các con mở hết túi này ra túi nọ cho khách ngắm.
    







Trong số những tác phẩm tranh vẽ trong chai từ trước tới nay, đáng nhớ và dày công nhất đó là bức tranh truyền thần Bác Hồ. "Khi vẽ tác phẩm này, tôi đã phải dùng đến không biết bao nhiêu cây bút vẽ, có những cây bút nhỏ như mũi kim, chỉ để cứa sơn ra làm tóc và làm râu cho thật giống. Và do vỏ chai để vẽ tác phẩm này là loại vỏ rượu vang của Pháp nên nó rất dày và nhiều đường cong, tôi phải mất hơn 1 tuần mới thực hiện xong. Tác phẩm này sau đó đã được một bác cựu chiến binh ngỏ lời mua với mức giá 500 nghìn đồng. 500 nghìn ở thời điểm đó là cả một số tiền lớn" - Anh Tuân cho biết thêm.
Khánh Toàn

ToanAnhLe

0 nhận xét :

Đăng nhận xét