Được tạo bởi Blogger.

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Tag:

"Vị thần" trong chai 13/08/2008 - 01:47:20

"Vị thần" trong chai

13/08/2008 - 01:47:20

“Tôi bị nghệ thuật hút hồn”
Căn nhà nhỏ của anh nằm trong khu tập thể Nhà máy Xay Hải Dương. Nhà rộng chừng 50m2, nhưng chỗ làm và không gian trưng bày các sản phẩm đã chiếm phần lớn diện tích.
Vốn có năng khiếu vẽ, ngay từ nhỏ, Tuân thường xuyên trổ tài trong lớp. Ước mơ theo đuổi nghề vẽ của Tuân phải gác lại khi năm 1986, anh nhập ngũ, đóng quân tại vùng biên giới tỉnh Quảng Ninh. Hết nghĩa vụ quân sự, anh về công tác tại Nhà máy Xay Hải Dương. Mặc dù cuộc sống vô cùng vất vả, nhưng “máu” nghệ sĩ luôn chảy trong anh. Ngày đi làm, tối về anh lại “vùi đầu” vẽ tranh và coi đó là món ăn tinh thần không thể bỏ được.
Tuân đến với nghệ thuật vẽ tranh trong chai như một định mệnh. Tình cờ đọc bài báo viết về họa sĩ Trung Quốc có biệt tài vẽ tranh trong chai, lập tức, anh bị “hút hồn”. Sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã thôi thúc anh tìm đến các họa sĩ nổi tiếng để tìm hiểu. Tuy nhiên, không ai có thể cung cấp thông tin cho anh, họ đều nói đó là cách cắt dán chứ không thể vẽ trực tiếp trong chai. Không chịu thua, anh quyết tâm tìm tòi, theo đuổi.
Để vẽ tranh trong chai, anh phải đánh đổi nhiều thời gian, công sức. Anh tâm sự: “Trước tiên, tôi phải tập vẽ trong cốc trước, vì miệng cốc rộng hơn. Thế mà ban đầu vẽ trong cốc cũng rất khó khăn, lần mò mãi tôi vẫn không vẽ nổi”. Sau 3 tháng kiên trì, đôi tay anh dần quen, nét vẽ trở nên mềm mại. Khi đã vẽ thành thạo trong cốc, anh bắt đầu tìm đến vỏ chai. “Vẽ trong cốc đã khó, vẽ trong chai càng khó hơn, bởi cổ chai bé không thể điều khiển được bút”, anh Tuân chia sẻ. Tập mãi không thành, đã có lúc anh vứt bỏ hàng sọt vỏ chai, bút và sơn. Tuy nhiên, lúc tĩnh tâm, anh tự hỏi: “Tại sao người ta vẽ được mà mình lại không?”, nghĩ vậy anh lại miệt mài đến quên ăn, quên ngủ, suốt ngày tỉ mẩn bên những chiếc vỏ chai.
Và mọi cố gắng của anh cũng được đền đáp, những đường nét, hình vẽ trong chai ngày càng hoàn thiện. Nét vẽ gọn gàng hơn rất nhiều, các chi tiết cũng đẹp hơn. Sau 10 năm mày mò, anh đã thành công và được mọi người, đặc biệt là giới họa sĩ biết tiếng.
Kiểu tranh “độc”
Một tác phẩm đã hoàn thành.
Đưa cây bút hoàn thiện nét vẽ cuối cùng của bức tranh chân dung các thành viên trong gia đình, anh tâm sự: “Vẽ tranh trong chai đòi hỏi họa sĩ phải thực sự tâm huyết. Tranh thông thường, họa sĩ có thể vẽ xuôi nhưng vẽ trong chai phải vẽ ngược nên đầu óc rất căng thẳng, cần tập trung cao độ, cẩn thận đến từng chi tiết”. Cọ vẽ thường rất khó tạo hình trong chai, anh đã mày mò sáng chế loại bút riêng. Anh còn phát hiện ra chỉ chất liệu sơn dầu mới vẽ được và giữ màu sắc trong chai.

Lúc mới tập, anh phải phác họa ra giấy, rồi nhìn vào đó vẽ lại. Phải mất cả tuần anh mới hoàn thiện một bức tranh. Nhưng giờ đây, anh đã vẽ thành thạo, nhanh và đẹp hơn. Với bức khó như vẽ chân dung, phong cảnh mất khoảng 3 giờ đồng hồ, còn những bức đơn giản chỉ khoảng 15 phút là hoàn thành. Nắm bắt thị hiếu khách hàng, anh tập trung vẽ hình 12 con giáp, tranh phong cảnh, chân dung… Được nhiều người biết đến, sản phẩm của anh ngày càng thu hút du khách đến tham quan và đặt hàng. Giá mỗi bức tranh tùy vào độ khó, vẻ đẹp. Với bức ngũ hổ, hay các bức vẽ trong chai cao cổ, anh bán với giá 150.000 đồng, còn bức bình thường 50.000 đồng.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, anh vẫn nhớ như in kỷ niệm khi vẽ chân dung Bác Hồ. Anh nhớ lại: “Sau lần về quê, nghe một cựu chiến binh kể chuyện lần đầu gặp Bác, cảm xúc trong tôi dâng trào. Tôi nghĩ phải vẽ cho được chân dung Bác. Tìm được chai thủy tinh lớn và đẹp, tôi miệt mài vẽ. Sau khi hoàn thành, người cựu chiến binh rơi nước mắt khi chiêm ngưỡng bức tranh”.
Nhờ cách vẽ tranh lạ đời này, năm 2006, anh được mời tham dự chương trình Những chuyện lạ Việt Nam (phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam) và đạt kỷ lục về vẽ tranh trong chai. Năm 2007, anh tham gia hội thi sáng tạo nghệ thuật toàn quốc và được công nhận là người đầu tiên có kiểu vẽ tranh trong chai. Ngoài ra, anh còn vẽ tranh trên trứng đà điểu, mũ cối hay khắc hình trên vỏ con trai.
Hiện nay, anh đang nghiên cứu cách vẽ dựng ngược vỏ chai rồi dùng bóng đèn thắp sáng để trang trí. Anh dự định sẽ mở một cuộc triển lãm về tranh trong chai để mọi người có thể chiêm ngưỡng loại hình nghệ thuật độc đáo này. “Tôi ấp ủ mong muốn truyền nghề cho những người thực sự có tâm huyết, lấy cơ sở để lập làng nghề vẽ tranh trong chai tại quê mình”, anh Tuân thổ lộ.
Quốc Tảo
                  

ToanAnhLe

0 nhận xét :

Đăng nhận xét